Bên cạnh các lao động được ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) chính thức thì HĐLĐ thời vụ cũng chiếm một tỷ lệ không hề nhỏ. Trong nội dung bài chia sẻ dưới đây Kế Toán Mac sẽ tổng hợp những vấn đề cần lưu ý về HĐLĐ thời vụ 2017 mới nhất.
1-Hợp đồng lao động thời vụ là gì?
HĐLĐ thời vụ là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương theo mùa vụ hoặc công việc nhất định có tính chất không thường xuyên, có thời hạn dưới 12 tháng, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
2-Người sử dụng lao động được phép ký kết HĐLĐ thời vụ trong trường hợp nào?
HĐLĐ thời vụ được ký kết trong trường hợp giao kết công việc giữa người sử dụng lao động và người lao động là công việc có tính chất tạm thời, không thường xuyên, hoặc công việc có thể hoàn thành trong thời hạn 12 tháng.
Không được giao kết HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên, trừ trường hợp phải tạm thời thay thế người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự, nghỉ theo chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động hoặc nghỉ việc có tính chất tạm thời khác.
Trường hợp vị phạm, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt hành chính từ 500.000 – 20.000.000 đồng tùy theo số lượng người lao động mà họ vi phạm theo Khoản 1 Điều 5 Nghị định 95/2013/NĐ-CP.
3-Người lao động ký kết HĐLĐ thời vụ được hưởng những ưu đãi gì?
Khi ký kết HĐLĐ thời vụ, người sử dụng lao động phải đảm bảo các quyền lợi sau cho người lao động:
- Được tham gia bảo hiểm tự nguyện kể từ ngày 01/01/2015, do vậy được hưởng đầy đủ quyền lợi khi đáp ứng các điều kiện được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
- Được tham gia bảo hiểm xã hội kể từ ngày 01/01/2016, do vậy cũng được hưởng đầy đủ các chế độ thai sản, chế độ hưu trí, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- Được bảo vệ quyền lợi chính đáng như không bị đuổi việc vô cớ, được trả lương đúng hạn,riêng với lao động nữ được hưởng chế độ thai sản, được nghỉ ngơi trong thời gian hành kinh…. theo quy định pháp luật lao động.
Ngoài ra, khi có xảy ra tranh chấp giữa người sử dụng lao động và người lao động thì người lao động có cơ sở để Tòa án giải quyết quyền lợi cho người lao động.
4-Trường hợp đã ký kết HĐLĐ thời vụ 02 lần thì có được ký kết tiếp HĐLĐ thời vụ không?
Pháp luật lao động chưa hạn chế số lần ký kết HĐLĐ thời vụ.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, công việc được giao kết HĐLĐ thời vụ phải là công việc có tính chất tạm thời, không thường xuyên.
Giải thích rõ trường hợp này như sau:
- Nếu công ty ký HĐLĐ thời vụ, sau khi hết hạn HĐLĐ này, 02 bên (người sử dụng lao động và người lao động) chấm dứt HĐLĐ. Sau một thời gian, công ty lại ký HĐLĐ thời vụ, thì việc ký kết HĐLĐ này vẫn đúng quy định pháp luật vì công việc đó mang tính chất thời vụ. Và như vậy, việc ký kết HĐLĐ như vậy là đúng quy định, không phụ thuộc vào số lần ký kết.
- Nếu công ty ký HĐLĐ thời vụ, sau khi hết hạn HĐLĐ này, 02 bên (người sử dụng lao động và người lao động) lại tiếp tục ký kết HĐLĐ thời vụ thì như vậy, rõ ràng công việc này không mang tính chất thời vụ nữa, việc ký kết này vi phạm quy định của Bộ luật lao động 2012.
5-HĐLĐ thời vụ có bắt buộc phải theo mẫu quy định không?Nếu có thì mẫu này được quy định tại văn bản nào?
Vì HĐLĐ là sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động với người lao động nên HĐLĐ không nhất thiết phải theo mẫu quy định.
Tuy nhiên, HĐLĐ thời vụ phải đảm bảo đầy đủ các nội dung quy định theo pháp luật về lao động
6-Thu nhập của người lao động làm việc theo HĐLĐ thời vụ có chịu thuế TNCN không?
Vì khoản thu nhập này có tính chất là khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công nên thu nhập của người lao động làm việc theo HĐLĐ thời vụ vẫn phải chịu thuế TNCN.
Người lao động có thể tự quyết toán hoặc thuê ngoài các dịch vụ kế toán thuế chuyên nghiệp để quyết toán thuế TNCN của mình. Tuy nhiên lưu ý là thu nhập tính thuế được xác định bằng thu nhập chịu thuế trừ các khoản:
- Các khoản đóng góp bảo hiểm bắt buộc như: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành, nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc và các khoản bảo hiểm bắt buộc khác theo quy định pháp luật.
- Các khoản giảm trừ gia cảnh (khoản giảm trừ gia cảnh cho bản thân là 9 triệu đồng/tháng, cho người thân là 3.6 triệu đồng/tháng)
- Các khoản đóng góp vào quỹ từ thiện, quỹ khuyến học,quỹ nhân đạo.
7-Ký kết HĐ LĐ thời vụ có phải thử việc không?
Ký kết HĐLĐ thời vụ không phải thử việc. (theo Khoản 2 Điều 26 Bộ luật lao động 2012)
8-Muốn nghỉ việc trước thời hạn thì người lao động ký kết HĐLĐ thời vụ có phải báo trước với người sử dụng LĐ không?
Người lao động làm việc theo HĐLĐ thời vụ phải báo trước cho người sử dụng lao động khi nghỉ việc trước thời hạn trong HĐLĐ. Tùy từng trường hợp mà người lao động phải báo trước thời hạn quy định cho người sử dụng lao động:
- Ít nhất 3 ngày làm việc với trường hợp: không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong HĐLĐ; không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong HĐLĐ; bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động; bị ốm đau, tai nạn đã điều trị ¼ thời hạn hợp đồng mà khả năng lao động chưa được hồi phục.
- Ít nhất 03 ngày làm việc đối với các trường hợp: bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện HĐLĐ, được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước.
- Đối với trường hợp lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì thời hạn phải báo trước cho người sử dụng lao động tuỳ thuộc vào thời hạn do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định.
Ngược lại, trong trường hợp người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ thì thời hạn báo trước:
Ít nhất 03 ngày làm việc
9-Trong trường hợp người lao động làm việc thời vụ đơn phương chấm dứt HĐ, người lao động có được hưởng khoản hỗ trợ nào không?
Trong trường hợp người lao động làm việc theo HĐLĐ thời vụ đơn phương chấm dứt HĐLĐ, người lao động không được hưởng trợ cấp thôi việc.