Kế toán tổng hợp giống như tên gọi của nó phải đảm đương rất nhiều nhiệm vụ trên mọi lĩnh vực. Dưới đây là những công việc chưa hẳn ai cũng biết về kế toán tổng hợp.
Không có công thức chung nhất về các công việc cụ thể cho kế toán tổng hợp, vì thực tế phải tùy thuộc vào quy mô và đặc thù kinh doanh của mỗi công ty; cụ thể là phụ thuộc vào việc tổ chức bộ máy kế toán và người kế toán trưởng giao công việc cho từng nhân viên kế toán đến đâu. Ví dụ như sau:
– Công ty có 2 – 3 nhân viên kế toán thì phần việc của mỗi người chắc chắn sẽ nhiều hơn; Kế toán trưởng phải làm luôn công việc của kế toán tổng hợp.
– Công ty có 6 – 7 nhân viên kế toán, mỗi người phụ trách một phần hành thì phần việc / phần hành của kế toán tổng hợp sẽ ít hơn nhưng bù lại khối lượng công việc tổng hợp nhiều hơn và đòi hỏi chuyên môn cao hơn.
– Còn công ty chỉ có một kế toán, khi đó bạn phải là kế toán trưởng và làm từ A đến Z.
Có thể đôi lúc bạn có cảm giác rằng, vai trò của kế toán tổng hợp hình như giống vai trò của kế toán trưởng ? điều đó cũng có thể. Thường thì công việc của kế toán trưởng là tổ chức bộ máy kế toán, tổ chức hệ thống tài khoản, điều phối, xử lý các mối quan hệ, hoạch định, xử lý tài chính, vay vốn, tham dự các cuộc họp về quản trị,…Đặc biệt, kế toán trưởng là người chịu trách nhiệm cao theo quy định pháp luật về kế toán và thuế.
Kế toán mô phỏng xin chia sẻ cùng bạn công việc “quan trọng / thường làm nhất” của kế toán tổng hợp là:
– Tính giá thành, các bút toán về giá thành.
– Xử lý các bút toán kết chuyển thuộc các tài khoản từ loại 4 đến loại 9.
– Kiểm tra, đối chiếu lại tất cả các số liệu.
– Lập báo cáo tài chính.
Một cách tổng quát hơn, công việc của kế toán tổng hợp như sau:
– Kiểm tra toàn bộ các định khoản, các nghiệp vụ phát sinh.
– Kiểm tra, đối chiếu giữa số liệu chi tiết và số liệu tổng hợp.
– Kiểm tra số dư cuối kỳ có hợp lý và đúng với thực tế không.
– Xác định và đề xuất lập dự phòng hoặc xử lý công nợ phải thu khó đòi.
– Tính giá thành, định khoản các nghiệp vụ về giá thành.
– Kết chuyển doanh thu, chi phí, lãi lỗ.
– In sổ kế toán.
– Lập báo cáo tài chính, báo cáo quản trị, báo cáo thống kê,…
– Lập các báo cáo thuế.
– Cùng kế toán trưởng giải trình, cung cấp tài liệu, số liệu cho các cơ quan như: thuế, kiểm toán, các đoàn thanh tra kiểm tra khi có yêu cầu.
– Kiến nghị và đề xuất các biện pháp khắc phục cải tiến ./.