Xác định giá trị hàng tồn kho có rất nhiều phương pháp với ưu và nhược điểm riêng. Cùng chúng tôi tìm hiểu ưu nhược điểm từng cách xác định giá trị hàng tồn kho phổ biến hiện nay:
- Phương pháp bình quân gia quyền :
Giá trị của từng loại hàng tồn kho được tính theo giá trị trung bình của từng loại hàng tồn kho tương tự đầu kỳ và giá trị của từng loại hàng tồn kho được mua hoặc sản xuất trong kỳ. Giá trị trung bình có thể được tính theo thời kỳ hoặc vào mỗi khi nhập một lô hàng về.
+ Ưu điểm :
– Phù hợp với doanh nghiệp có ít chủng loại hàng tồn kho, khối lượng nhập xuất ít.
– Phương pháp đơn giản, dễ thực hiện.
+ Nhược điểm:
– Tính bình quân gia quyền cả kỳ : đến cuối tháng mới thực hiện tính giá vốn xuất kho, không cung cấp kịp thời thông tin cho mỗi nghiệp vụ.
- Phương pháp nhập trước – xuất trước ( FIFO)
Theo phương pháp này, giả định là hàng tồn kho được mua về trước hoặc sản xuất trước thì xuất trước và hàng tồn kho còn lại cuối kỳ là hàng được mua hoặc được sản xuất gần thời điểm cuối kỳ. Do đó, giá trị hàng xuất kho được tính theo giá của lô hàng nhập kho ở thời điểm đầu kỳ hoặc gần đầu kỳ, giá trị của hàng tồn kho được tính theo giá của lô hàng nhập kho ở thời điểm cuối kỳ hoặc gần cuối kỳ còn tồn kho.
+ Ưu điểm:
– Phương pháp này áp dụng được cho tất cả các doanh nghiệp có thể quản lý được thời gian nhập của từng lô hàng cụ thể.
– Tính ngay được giá vốn của từng lô hàng khi xuất, đảm bảo cung cấp kịp thời số liệu cho kế toán ghi chép và công tác quản lý.
– Trị giá vốn hàng hóa còn trong kho sát với giá thị trường, chỉ tiêu hàng tồn kho trên bảng cân đối kế toán có ý nghĩa kinh tế hơn.
+ Nhược điểm:
– Doanh thu hiện tại không phù hợp với chi phí hiện tại (Giá trị hàng xuất kho tương ứng với giá của những lần nhập trước)
– Đối với doanh nghiệp có nhiều chủng loại mặt hàng, hoạt động nhập xuất liên tục áp dụng phương pháp này sẽ khiến cho chi phí hạch toán và khối lượng công việc tăng lên rất nhiều.
- Phương pháp nhập sau – xuất trước ( LIFO)
Áp dụng dựa trên giả định là hàng tồn kho được mua sau, được sản xuất sau thì được xuất trước và hàng tồn kho còn lại cuối kỳ là hàng được mua hoặc sản xuất trước đó. Theo phương pháp này, giá trị hàng xuất kho được tính theo giá của lô hàng nhập sau hoặc gần sau cùng, giá trị của hàng tồn kho được tính theo giá của lô hàng nhập kho đầu kỳ hoặc gần đầu kỳ còn tồn kho.
+ Ưu điểm :
– Áp dụng cho các doanh nghiệp có thể quản lý thời gian nhập của từng lô hàng cụ thể,
– Chi phí của lần mua gần nhất sát với giá vốn thực tế xuất kho, đảm bảo được nguyên tắc phù hợp của kế toán.
+ Nhược điểm:
– Trị giá vốn của hàng tồn kho còn lại cuối kỳ không sát với giá thị trường
– Khối lượng công việc tính toán, ghi chép nhiều…
- Phương pháp tính giá đích danh:
Áp dụng đối với doanh nghiệp có ít loại mặt hàng, hoặc mặt hàng ổn định và nhận diện được. Khi xuất lô hàng nào thì lấy giá thực tế của chính lô hàng đó.
+ Ưu điểm :
– Tuân thủ nguyên tắc phù hợp của kế toán : chi phí thực tế phù hợp với doanh thu thực tế
– Phương pháp đơn giản, dễ tính toán, phù hợp với doanh nghiệp nhỏ, thủ công.
+ Nhược điểm:
– Chỉ phù hợp với đơn vị có giá trị hàng tồn kho lớn, mang tính chất đơn chiếc, ổn định, theo dõi riêng và nhận diện được từng lô hàng.
Dịch vụ đào tạo kế toán chuyên sâu, tập trung vào thực hành và chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm thực tế. Giáo viên là các chuyên gia kế toán, kiểm toán đi làm lâu năm, giàu kinh nghiệm, đang làm việc tại các Doanh nghiệp lớn. Với phương pháp đào tạo chú trọng thực hành, cầm tay chỉ việc, giới hạn số lượng Học viên trong 1 lớp. Chúng tôi cam kết sau khóa học kế toán xuất nhập khẩu, Học viên có thể đi làm được ngay!