Quản trị doanh nghiệp và những lỗ hổng cần được khắc phục

Những chuẩn mới về quản trị doanh nghiệp đã đưa ra những giải pháp hoàn hảo để bịt lỗ hổng tồn tại nhiều năm nay ở các công ty.

“Khoảng trống” và hệ lụy

Sau thời điểm Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực, UBCK đã công bố dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 121/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về quản trị công ty áp dụng cho các công ty đại chúng, để lấy ý kiến rộng rãi. Tuy nhiên, do Luật Đầu tư không cho phép các văn bản pháp lý ở cấp Thông tư đặt ra các điều kiện kinh doanh, nên phải mất gần một năm, UBCK mới hoàn tất việc nâng cấp từ dự thảo Thông tư thành dự thảo Nghị định quy định về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng.

Sự chậm trễ này đã có những tác động không tích cực đến quản trị công ty. Phản ánh của các quản trị công ty cho thấy, thời gian qua, họ hỏi nhà quản lý, Sở giao dịch chứng khoán về cách thức tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) theo quy định mới của Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp có nên chọn mô hình quản trị mới là không có Ban kiểm soát hay không, nếu có thì cách thức tiến hành như thế nào, thực hiện theo văn bản hướng dẫn nào? Bản thân Sở Giao dịch chứng khoán chỉ là cơ quan áp dụng luật, chứ không phải giải thích luật, nên có sự lúng túng trong giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp.

Do hướng dẫn về áp dụng các quy chuẩn mới về quản trị công ty có “khoảng trống” như trên, nên đang làm chậm quá trình thúc đẩy đổi mới quản trị công ty theo những nội dung cải cách của Luật Doanh nghiệp. Vấn đề này, theo giới chuyên gia, càng đáng ngại hơn trong bối cảnh Việt Nam hiện còn nhiều điểm yếu, xếp thứ hạng thấp về quản trị công ty so với các nước trong khu vực.
Thực tế hoạt động của nhiều doanh nghiệp cho thấy, chuyện minh bạch thu nhập của HĐQT luôn là đòi hỏi chính đáng từ phía các cổ đông

Kiểm soát HĐQT lạm quyền

Nguy cơ HĐQT lạm quyền luôn tiềm ẩn và là một trong những vấn đề nhức nhối, gây bức xúc trong các cổ đông, đặc biệt là cổ đông nhỏ bên ngoài doanh nghiệp. Để giải quyết thực trạng “nóng” này, nhiều điểm mới được bổ sung vào dự thảo Nghị định.

Đầu tiên là dự thảo buộc HĐQT phải xây dựng Quy chế nội bộ về quản trị công ty, được ví như “luật” về quản trị công ty tại doanh nghiệp, để làm cơ sở cho các hành xử của cả HĐQT lẫn cổ đông. Theo đó, HĐQT có trách nhiệm xây dựng Quy chế nội bộ về quản trị công ty và trình ĐHCĐ thông qua. Quy chế này không được trái với các nguyên tắc và quy định hiện hành về quản trị công ty và được công bố trên trang thông tin điện tử của công ty. Quy chế phải bao gồm các nội dung chính: trình tự, thủ tục về triệu tập và biểu quyết tại ĐHCĐ; việc ĐHCĐ thông qua nghị quyết dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản; đề cử, ứng cử, bầu, miễn nhiệm và bãi nhiệm thành viên HĐQT…

Liên quan đến tư cách thành viên HĐQT, UBCK đề xuất, trường hợp công ty đại chúng do Nhà nước nắm giữ trên 50% tổng số phiếu có quyền biểu quyết, thì chủ tịch HĐQT không được kiêm nhiệm chức danh giám đốc. Thành viên HĐQT của một công ty đại chúng được đồng thời là thành viên HĐQT không quá 10 công ty đại chúng, trong đó tối đa 5 công ty niêm yết. Số lượng thành viên HĐQT của công ty niêm yết ít nhất là 5 người, nhiều nhất là 11 người. Trường hợp công ty đại chúng chưa niêm yết hoạt động theo mô hình không có Ban kiểm soát quy định tại Luật Doanh nghiệp, cơ cấu thành viên HĐQT của công ty phải đảm bảo ít nhất 1/5 tổng số thành viên HĐQT là độc lập.

Ngoài ra, thay vì khuyến khích HĐQT thành lập tiểu ban nhân sự, tiểu ban lương thưởng như quy định hiện hành, UBCK đề xuất HĐQT công ty niêm yết phải thành lập 2 tiểu ban này để hỗ trợ hoạt động của HĐQT, hoặc cử thành viên độc lập phụ trách riêng về từng vấn đề nhân sự, lương thưởng. Đồng thời, HĐQT của công ty niêm yết phải chỉ định ít nhất 1 người làm thư ký công ty để hỗ trợ hoạt động quản trị công ty được tiến hành hiệu quả.

Thực tế hoạt động của nhiều doanh nghiệp cho thấy, chuyện minh bạch thu nhập của HĐQT luôn là đòi hỏi chính đáng từ phía các cổ đông, vì họ muốn biết đồng vốn của họ góp vào doanh nghiệp được chi tiêu và mang lại hiệu quả ra sao, có hay không việc HĐQT lạm quyền trong chi dùng ngân quỹ không vì lợi ích chung của doanh nghiệp? Để phần nào khắc phục tình trạng này, dự thảo Nghị định bổ sung quy định mới: thù lao của thành viên HĐQT phải được thể hiện thành mục riêng trong báo cáo tài chính hàng năm của công ty. Thù lao, các lợi ích khác và chi phí cấp cho từng thành viên HĐQT do công ty thanh toán phải báo cáo tại ĐHCĐ thường niên và được công bố chi tiết trong báo cáo thường niên của công ty.

Một số ý kiến cho rằng, việc minh bạch thù lao của HĐQT cần được cập nhật hơn tại báo cáo tài chính quý hoặc bán niên, để trên cơ sở đó nếu cổ đông phát hiện những điểm bất thường, thì có ý kiến ngay để yêu cầu doanh nghiệp giải trình, xử lý, chứ đợi hết năm mới công khai thì mọi sự đã rồi, nên khó chấn chỉnh những sai phạm xảy ra.

Để phần nào giải quyết những xung đột về lợi ích giữa cổ đông nội bộ tại doanh nghiệp với các cổ đông bên ngoài, điểm mới tại dự thảo Nghị định là công ty đại chúng không được cung cấp khoản vay hoặc bảo lãnh cho cổ đông là cá nhân, tổ chức và người có liên quan của cổ đông đó là cá nhân, trừ trường hợp công ty đại chúng là tổ chức tín dụng.

Trừ trường hợp ĐHCĐ có quyết định khác, công ty đại chúng không được thực hiện giao dịch dẫn đến tổng giá trị giao dịch có giá trị từ 35% trở lên tổng giá trị tài sản ghi trên báo cáo tài chính gần nhất giữa công ty đại chúng với một trong các đối tượng: thành viên HĐQT, kiểm soát viên, giám đốc, các cán bộ quản lý khác và những người có liên quan của các đối tượng này; cổ đông, người đại diện ủy quyền của cổ đông sở hữu trên 10% tổng cổ phần phổ thông của công ty và những người có liên quan của họ.

Kiểm soát viên cần có tiếng nói phản biện và tính độc lập cao

Thực tế hoạt động của Ban kiểm soát tại các doanh nghiệp niêm yết cho thấy, tính hình thức trong hoạt động còn cao. Theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, bộ phận này phải có tính độc lập cao, có tiếng nói phản biện, thậm chí “cãi” lại Ban lãnh đạo doanh nghiệp nếu có những quyết định, hoặc hành vi xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của công ty, cổ đông, nhất là cổ đông nhỏ ngoài doanh nghiệp.

Tuy nhiên, dự thảo Nghị định chưa đưa ra những quy định mới với hàm lượng cải cách đủ để kiểm soát viên đảm đương đúng vai trò của mình trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, cũng như các cổ đông, ngoại trừ một số nội dung có tính đổi mới không đáng kể như: kiểm soát viên (không dùng khái niệm thành viên Ban kiểm soát như hiện hành) phải đáp ứng các tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, điều lệ công ty và không phải là: nhân sự đang làm việc trong bộ phận kế toán, tài chính của công ty; thành viên hay nhân viên của công ty kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán các báo cáo tài chính của công ty trong vòng 6 tháng kể từ trước thời điểm được bầu làm kiểm soát viên.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *